Văn Miếu Huế là một công trình kiến trúc khá độc đáo trong quần thể di tích cố đô. Cùng chúng mình khám phá vẻ đẹp của Văn Miếu xứ Huế trong bài viết này nhé!
Vị trí và đường đi đến Văn Miếu Huế
Từ trung tâm thành phố Huế, chạy dọc đường Trần Hưng Đạo rợp bóng phượng sẽ đến vùng đất Kim Long cổ kính. Đây là nơi tọa lạc của nhiều công trình kiến trúc cổ, một thời là thủ phủ của các bậc Vương, Quan nhà Nguyễn. Sau đó, đi qua Chùa Thiên Mụ sẽ đến với Văn Miếu của Cố đô. Công trình nằm trên một ngọn đồi thấp thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế.
Văn Miếu quay mặt về phía Nam, phía trước nhìn thẳng ra sông Hương. Phía sau Văn Miếu là làng mạc, núi đồi bao bọc.

Văn Miếu Huế có gì đặc sắc?
Mặc dù đã từng là một công trình kiến trúc hoành tráng ở Huế thời xa xưa thế nhưng Văn Miếu đã dần bị lãng quên. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Văn Miếu xuất hiện ngày càng nhiều trong những bức ảnh của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ đó, Văn Miếu đang dần trở lại và được nhiều người ghé tới.
Mặc dù gần như bị lãng quên nhưng các công trình kiến trúc tại đây hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp. Vẻ đẹp lịch sử đó đã gây nhiều ấn tượng với du khách.

Văn Miếu Huế thờ ai?
Văn Miếu Huế được xây dựng ngoài việc thờ Khổng Tử còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết.
Đối với việc thờ phụng, triều Nguyễn cho lập bài vị bằng gỗ. Tất cả những nơi thờ hình tượng đều phải thay bằng bài vị. Triều Nguyễn cho rằng thờ bằng hình tượng là thiếu trang trọng, thiếu lễ độ đối với người đã khuất. Cho nên ngay cả bàn thờ các vua Nguyễn cũng không hề thờ bằng hình tượng.
Lịch sử văn miếu Huế
Dưới triều nhà Nguyễn, Văn Miếu được chính thức xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long. Đây là Văn Miếu của triều đại và của cả toàn quốc. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương. Văn Miếu Huế hay Văn Thánh Huế là cách gọi tắt của Văn Thánh Miếu được xây dựng tại Huế.
Suốt thời Gia Long trị vì, triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương. Vì thế không có tấm bia tiến sĩ nào được dựng ở Văn Miếu. Đến thời Minh Mạng mới mở các khoa thi hội, nên bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng. Các bia tiến sĩ được lần lượt dựng lên ở sân Văn Miếu cho đến năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Ðịnh.
Trong một số năm, Văn Miếu Huế được tu sửa và xây dựng thêm một số công trình phụ. Đến năm 1947, quân đội Pháp tái chiếm Huế và đồn trú tại đây đã gây thiệt hại cho di tích này. Lúc đó, các bài vị thờ ở Văn Thánh được đưa về bảo quản tại chùa Thiên Mụ.
Kiến trúc Văn Miếu Huế
Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn. Đó là Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn…
Đại Thành Điện

Từ Đại Thành Môn nhìn vào ngay chính giữa là Đại Thành Điện – ngôi đại điện thờ Khổng Tử. Đây là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được dựng trên một nền cao. Cấu trúc của ngôi đại điện theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế.
Ở hai bên trước điện Đại Thành dựng hai ngôi nhà đối diện nhau. Đó là Đông Vu và Tây Vu có bảy gian, thờ thất thập nhị hiền và các tiên nho. Đây là những người có công trong việc phát triển đạo Nho.
Nhà bia

Trước sân miếu có hai nhà bia. Bên phải có tấm bia khắc của vua Minh Mạng dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Bia ở nhà bia bên trái khắc bài văn của vua Thiệu Trị dụ về việc bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền.
Phía ngoài cổng Đại Thành, bên trái có Hữu Văn Đường; bên phải xây Duy Lễ Đường. Đây là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái, để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở miếu. Phía trước là hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn.

Linh Tinh Môn

Trước cổng Văn Miếu là cửa Linh Tinh Môn, từ trong Văn Miếu nhìn ra là sông Hương thơ mộng. Cửa gồm bốn trụ xây bằng gạch, phần trên trang trí pháp lam. Tấm biển ở giữa phía trước có đề bốn chữ Hán lớn “Đạo Tại Lưỡng Gian” (đạo giữa trời đất). Mặt sau đề bốn chữ Hán tương đương “Trác Việt Thiên Cổ” (vượt cao ngàn xưa). Hai bên khu vực trước cổng Văn Miếu có tấm bia “Khuynh cái hạ mã” (nghiêng lọng xuống ngựa).
Các tòa nhà ở Văn Thánh đều được xây dựng bằng gỗ lim. Kiến trúc và trang trí của Văn Miếu đều đối xứng, uy nghi. Trải qua thời gian, chiến tranh, Văn Miếu Huế đã bị tàn phá nặng nề, nhiều công trình không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, đây vẫn là một điểm thăm quan, một công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn cao cả, đánh dấu một thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo nước nhà.
GIỚI THIỆU
THODIAXUHUE (Thổ Địa Xứ Huế) là trang thông tin chia sẻ kinh nghiệm du lịch Huế chi tiết rõ ràng, cụ thể giúp bạn lên lịch trình cho 1 chuyến đi du lịch Huế thật ý nghĩa và trọn vẹn.
Đến với cẩm nang du lịch Huế của THODIAXUHUE (Thổ Địa Xứ Huế), các bạn sẽ được biết thêm nhiều thông tin mới về du lịch Huế . Những kinh nghiệm chia sẻ quý báu về du lịch Huế . Các bạn sẽ có thể tự lên cho mình những chuyến đi riêng với chi phí siêu tiết kiệm. THODIAXUHUE có thể giúp bạn tiết kiệm tiền khi đi du lịch Huế